Tin Ủy ban nhân dân

Thứ Ba (21/04/2020 | 07:00 GMT + 7) - Lượt xem: 0

Cỡ chữ:

Người dân lo lắng trước giá điện tăng đột biến

Những ngày qua, người dân trên địa bàn thành phố Thuận An xôn xao, bàn tán chuyện giá điện. Hầu hết, người dân bảy tỏ sự lo lắng trước hóa đơn tiền điện kỳ 1 tháng 4 tăng đột biến. Nhiều hóa đơn tăng trên 100% tiền điện so với tháng trước. Hóa đơn tiền điện tăng đúng vào thời điểm cuộc sống người dân, hộ kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.


Ảnh: Ông Lê Tấn Thành, ngụ tại phường Lái Thiêu đem thắc mắc về việc tiền điện tăng đột biến với phóng viên.

Chưa kịp vui đã “choáng váng” với giá điện. Đó là tâm lý chung của người dân trên địa bàn thành phố Thuận An vào lúc này. Nhiều người dân cảm thấy vui khi Chính phủ mới đây đã đồng ý giảm giá điện nhằm giúp người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong bối cảnh do dịch Covid-19. Cụ thể, giá điện sinh hoạt sẽ được giảm 10% ở các bậc thang 1-4 (dưới 300kWh). Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ được giảm giá 10% các khung giờ cao điểm, bình thường và thấp điểm. Việc giảm này sẽ được áp dụng từ kỳ ghi hoá đơn tiền điện tháng 5, 6 và 7 tương ứng cho hóa đơn tiền điện tháng 4, 5 và 6/2020.

Việc giảm tiền điện bắt đầu từ tháng sau (tức kỳ ghi hoá đơn tiền điện tháng 5). Trong kỳ hoá đơn tháng 4 này, nhiều khách hàng vẫn phải trả tiền điện theo mức giá hiện hành. Tuy nhiên, so với tháng trước, kỳ hóa đơn tháng này tăng đột biến, khiến người dân cảm thấy bị ‘sốc” và chưa kịp hiểu ra nguyên nhân. Ông Lê Tấn Thành, ngụ tại khu phố Đông Nhì, phường Lái Thiêu cho biết, sau khi nhận được tin nhắn thông báo tiền điện kỳ 1 tháng 4, ông cảm thấy “choáng” với số tiền phải trả. Tức là tháng 3 vừa rồi, gia đình ông tiêu thụ điện cao gần gấp đôi so với tháng trước đó. Cụ thể tháng 2, gia đình ông sử dụng 715 ký điện tương đương gần 2 triệu; nhưng tháng 3 chỉ số tiêu thụ điện tăng lên 1.320 ký tương đương gần 4 triệu đồng (gần gấp đôi). Ông Thành cũng hiểu rằng, do thời tiết nắng nóng nên, việc sử dụng máy lạnh nhiều hơn, tức nhiên điện sẽ tăng. Nhưng số tiền điện tăng đột biến khiến ông thắc mắc và đặt ra nhiều câu hỏi chờ ngành điện trả lời.

Còn anh Võ Hồng Ân, ngụ tại khu phố Bình Đức, phường Bình Nhâm bức xúc cho biết, kỳ 1 tháng 4 so với các kỳ của tháng trước tăng đột biến. Trong gia đình anh sử dụng 1 tủ lạnh, 3 máy lạnh, nhưng chủ yếu sử dụng 2 cái ở phòng ngủ. Không thêm thiết bị điện nào, nhưng số điện tiêu thụ lại tăng từ 421 ký tương đương với số tiền hơn 1 triệu đồng (hóa đơn điện kỳ 1 tháng 3) lên 534 ký tương đương với số tiền là hơn 1,4 triệu đồng (hóa đơn điện kỳ 1 tháng 4). Như vậy tăng hơn 400 ngàn đồng. Với số tiền tăng đột ngột khiến anh thắc mắc, không hiểu vì sao?.

Cũng như anh Võ Hồng Ân, chị Nguyễn Thị Mỹ  Linh, ngụ tại khu phố Bình Phước, phường Bình Nhâm cho biết, hóa đơn điện tháng này tăng hơn 400 ngàn đồng so với tháng trước. Thấy giá điện tăng đột biến so với thường lệ lên chị cũng hơi lo lắng. Vì chị cũng sử dụng thiết bị điện bình thường như mọi khi. Nhưng sao thấy số điện tiêu thụ tăng cao hơn nhiều.

Không chỉ ông Lê Tấn Thành, anh Võ Hồng Ân, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, nhiều hộ dân khác cũng thắc mắc, phàn nàn về tiền điện tăng vọt. Đồng thời, mong muốn ngành điện xem xét và có giải pháp hỗ trợ người dân nhất là thời điểm khó khăn do dich Covid-19. Bởi, dù là tiền điện tính từ tháng 3, nhưng việc hộ dân thanh toán tiền điện cao vào lúc này cũng là một gánh nặng không hề nhỏ, nhất là khi thu nhập bị ảnh hưởng vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo một số hộ dân, tiền điện kỳ 1 tháng 4 tăng có phần cao hơn so với những tháng trước cũng hợp lý. Chị Tôn Thị Ngọc Sang, ngụ tại khu phố Bình Phước A, phường Bình Chuẩn cho biết, so với hóa đơn kỳ trước, kỳ này, tiền điện tăng lên khoảng 1 triệu đồng (từ 5,5 triệu đồng lên 6,5 triệu đồng). Do trời nắng nóng, lại ở nhà cách ly xã hội nên dùng nhiều điện hơn so với trước. Nên mức tăng này hợp lý.

Còn chị Hoàng Thị Hoa, ngụ tại khu phố Đồng An 3, phường Bình Hòa cho biết, 3 mẹ con chị chủ yếu ở nhà phòng dịch, ít ra ngoài theo chỉ đạo của thủ tướng Chính phủ. hai người con của chị học tập và làm việc tại nhà, cùng với việc trời nắng nóng hơn  nên, tiền điện tăng là hợp lý. So với hóa đơn tiền điện kỳ trước, kỳ này tăng gần 500 ngàn đồng. Chị nói, để tiết kiệm điện chị phải hạn chế sự dụng thiết bị điện nếu không cần thiết.

Trước tình hình hóa đơn tiền điện kỳ 1 của tháng 4 tăng đột biến so với trước, Điện lực Thuận An đã nhận nhiều ý kiến thắc mắc từ phía khách hàng; đồng thời Trung tâm chăm sóc khách hàng đã ghi nhận và trả lời đến khách hàng. Ông Nguyễn Minh Sơn, giám đốc Điện lực Thuận An lý giải của Điện lực Thuận An, tiền điện tăng trong kỳ hóa đơn tháng 4 là “hiện tượng có tính quy luật thời tiết hằng năm”… Một lý do khác, trong thời gian thực hiện “giãn cách xã hội”, học sinh và nhiều người lao động làm việc ở nhà ... cũng là một trong những lý do điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những tháng trước. Nhất là khu vực tỉnh Bình Dương, theo quy luật thời tiết thì tháng 3 bắt đầu chuyển sang nắng nóng, điển hình như tháng 3 năm nay 2020 còn có một số ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài ở mức trên 35 độ. Khi vào mùa nắng nóng, các hộ khách hàng sử dụng nhiều các thiết bị làm mát, nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là điều hòa nhiệt độ. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn nhiều điện hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì với cách tính giá điện chia làm 6 bậc thang hiện nay, người dùng càng nhiều phải trả càng nhiều thì vẫn còn thiệt thòi. Việc người dân trả tiền điện cao ngoài nguyên nhân do thời tiết nắng nóng và ở nhà nhiều hơn là chính xác, thì bậc thang giá điện 6 bậc hiện nay là căn nguyên của vấn đề này. Ở đây không phải là dùng nhiều trả nhiều mà là người dân đang phải trả giá cao. Nên phải xem xét lại giá điện bình quân, sau đó mới tính đến các bậc thang lũy tiến. Khi đó giá điện sẽ hợp lý hơn.

Vấn đề giá điện lâu nay vẫn đem ra bàn tán nhiều nhất là khi tiền điện tăng bất thường. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn lúc này chính là người dân trên địa bàn thành phố Thuận An cần sử dụng điện an toàn, tiết kiệm bằng cách tắt các thiết bị điện khi không cần thiết; không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị công suất lớn, trang bị các thiết bị được dán nhãn tiết kiệm năng lượng; đặt điều hòa nhiệt độ làm mát từ 26 độ trở lên….góp phần giảm chi tiêu trong thời buổi kinh tế khó khăn. Đồng thời, ngành Điện cũng thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng; tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị điện lực thực hiện đúng các chỉ đạo của Chính phủ về giảm giá điện, giảm tiền điện, đảm bảo đúng đối tượng, thời gian, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân do tác động của dịch Covid-19.

VĂN TIẾN

Các tin bài khác: