Vấn đề xả rác, chăn thả vật nuôi bừa bãi, lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường, đậu xe ngay trên vỉa hè dành cho người đi bộ, phát sinh chợ tự phát là những nguyên nhân chủ yếu gây ách tắc giao thông thường gặp hằng ngày khi đi trên đường. Thực trạng đô thị ở địa phương hiện nay có thể thấy rằng, sau thời gian ra quân lập lại trật tự đô thị, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân không lâu thì tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè lại tiếp tục gia tang; do đó, rất cần một giải pháp bền vững hơn trong việc lập lại trật tự đô thị theo hướng văn minh, nghĩa tình.
Để làm được điều đó, trước tiên cần phải xác định thế nào là trật tự, thế nào là văn minh để thực hiện. Trật tự, văn minh đô thị trước hết là phải làm cho đường phố gọn gàng, ngăn nắp. Chỗ nào bố trí, sắp xếp được thì sắp xếp cho đúng trật tự; chỗ nào không sắp xếp được dứt khoát phải xử lý. Một số nơi mất cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường cũng cần được xử lý triệt để. Văn minh trong xã hội được hiểu là những hành vi, thái độ, ứng xử của con người với tự nhiên, xã hội, đối với môi trường sống theo hướng xanh, sạch, đẹp, tiện ích về mọi mặt, là các giá trị văn hoá, đạo đức của dân tộc được phát huy, phục vụ hữu ích cho đời sống vật chất, tinh thần của con người.
Khi một địa phương trở thành một đô thị văn minh thì hiển nhiên địa phương đó sẽ có những hàng quán gọn gàng, những con đường sạch sẽ, khang trang, hiện đại; người dân có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh, ở nơi công cộng và nét đẹp đó được lan tỏa đến từng hộ gia đình, từng cá nhân, từng hộ kinh doanh hướng đến cộng đồng dân cư và xã hội có lối sống văn minh, hài hòa với thiên nhiên, giữ gìn môi trường. Tất cả sẽ tạo nên diện mạo đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh.






Ảnh: Công tác ra quân giữ gìn trật tự đô thị được thường xuyên thực hiện.
Thế nhưng trong thời gian qua vẫn còn đâu đó một số trường hợp người dân còn quan niệm vỉa hè chính là "khoảng sân" của nhà mình. Thực trạng của vấn đề “sở hữu chung dùng cho lợi ích riêng” có thể thấy rất rõ khi một số hộ gia đình, hộ kinh doanh mở quán, bán hàng để các vận dụng như biển quảng cáo, xe cộ, xào phơi đồ, các mặt hàng (trái cây, thịt cá, rau củ…) trên vỉa hè, xuống các lòng đường; lấn chiếm tiền sảnh, lòng đường để làm nơi trông giữ xe.
Tại khoản 1 Điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định “Lòng đường được sử dụng cho mục đích giao thông; vỉa hè được sử dụng cho người đi bộ.”
Như vậy, lấn chiếm lòng lề đường có thể hiểu là hành vi sử dụng trái phép phần diện tích lòng đường, vỉa hè dành cho giao thông và đi bộ để phục vụ mục đích cá nhân hoặc tổ chức, gây cản trở giao thông và ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng. Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường được quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ).
Do đó, để xây dựng phường Bình Nhâm trở thành "Phường đạt chuẩn đô thị văn minh" thì Chính quyền địa phương rất cần sự đồng lòng, chung sức từ phía người dân để xây dựng phường Bình Nhâm ngày giàu đẹp hơn, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa./.
UBND phường Bình Nhâm