Ra đời đã hơn 10 năm, CLB cổ vật TP Thuận An đã tập hợp được nhiều anh em đam mê, muốn gìn giữ các giá trị văn hóa xưa, trong đó gốm Lái Thiêu là một trong những lựa chọn hàng đầu. CLB đã và đang làm nên tên tuổi của mình qua việc gìn giữ các món đồ hết sức độc đáo và nó được mang đi giới thiệu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. CLB tiếp tục khẳng định giá trị của gốm Lái Thiêu bằng nhiều cách khác nhau. Hiện tại, một cách mà nhiều tỉnh thành ngưởng mộ đó là tạo sân chơi, tạo không gian cho những đam mê hòa điệu cùng nhau. Sân chơi tao nhã ấy đã xuất hiện tại phường Bình Nhâm.
Ảnh: Sự phong phú của gốm Lái Thiêu xưa.
Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11, hẳn những ai yêu gốm Nam bộ xưa đã được “một phen” thưởng thức dòng gốm đặc sắc này qua triển lãm 'Tôn vinh di sản nghề gốm' do Trung tâm Văn hóa thành phố Thuận An - Bình Dương và CLB Cổ vật Thuận An tổ chức. Đây là đợt hội ngộ đông đảo của 69 nhà sưu tập tư nhân các tỉnh thành, với hơn 450 hiện vật nằm trong các bộ sưu tập cá nhân được trích xuất đưa đến trung tâm để trưng bày. Các hiện vật trưng bày đa phần là gốm gia dụng và các sản phẩm gốm mỹ thuật, trang trí. Thêm vào đó, bạn trẻ Xuân Huỳnh đem đến triển lãm các hiện vật mô tả công việc và một vài công đoạn của nghề gốm cổ Nam Bộ như: bao nung, tức hộp đựng sản phẩm gốm khi nung, con kê, tức lót giữa các sản phẩm khi phải chồng lên nhau lúc đưa vào lò nung, bàn dộng là vật dụng để nắn lại các đồ gốm sống bị méo lúc phơi, bàn xoay, và cả khuôn in hai con cá mắt lồi thật độc đáo. Tất cả đã làm nên sự độc đáo dành cho tất cả những ai yêu gốm xưa.
Trước sự thành công đó đã thoi thúc các thành viên của CLB về một sân chơi tao nhã này. Thế là từ không gian riêng của gia đình, anh Huỳnh Minh Thanh, một thành viên của CLB cổ vật thành phố Thuận An đã tái tạo, chỉnh sửa làm thành những khu trưng bày đầy bắt mắt để có nơi cho những “tâm hồn” đồng điệu thỏa đam mê. Vậy là không gian gốm Lái Thiêu được ra mắt tại phường Bình Nhâm vào một ngày đẹp trời cuối tháng 9 năm 2023.
Anh Huỳnh Minh Thanh, chủ nhân của sân chơi này cho biết: ước mơ về một không gian trưng bày các đồ vật mình yêu thích không chỉ riêng bản thân mình mà của tất cả anh em trong CLB và để thỏa ước mơ thì cùng chung tay thực hiện. Đây là cách để chúng ta gìn giữ những giá trị văn hóa, mà cụ thể đó là gốm Lái Thiêu nổi tiếng một thời không bị mai một.
Một vòng tham quan không gian này với hàng trăm món đồ cổ, trong đó phần nhiều là gốm Lái Thiêu, mới hiểu đam mê của các anh ra sao với dòng gốm nổi tiếng một thời này. Đứng trước không gian trưng bày của hàng trăm chiếc ấm nước với đủ hình dáng, kích cỡ từ gốm Lái Thiêu, anh Nguyễn Hữu Phúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cổ vật TP.Thuận An, lý giải: sở dĩ gốm Lái Thiêu được mọi người ưa chuộng là bởi sự phong phú, đa dạng về các dòng gốm. Nó là tất cả các vật dụng trong gia đình của người dân Việt. Anh Phúc lý giải thêm, tại sao chiếc ấm trà trong sinh hoạt gia đình lại to thế, vì đó là thể hiện sự hào sản của người dân Nam bộ. Trong sinh hoạt, người chủ gia đình mời trà cho nhiều người nên cần phải có một chiếc bình to…
Chỉ một không gian như thế chưa đủ làm hài lòng người thưởng ngoạn thì hãy theo chân “chủ nhà” đến với các dòng gốm khác nhau để thấy sự phong phú của gốm Lái Thiêu xưa. Và thú thật, chúng tôi dường như choáng ngộp trước sự phong phú, đặc sắc này của nơi đây.
Hầu hết các đồ vật trưng bày tại đây hàng ngày là của anh Thanh và của một số thành viên mang đến giao lưu. Tại đây, chúng tôi tận mặt nhìn ngắm đôi lục bình cổ đồ tuyệt đẹp của chủ nhiệm CLB Nguyễn Hữu Phúc. Anh Phúc chia sẻ, anh thích sưu tầm những món đồ riêng lẻ hơn. Bởi, đó là sự độc đáo, là số ít. Lý giải về sự độc đáo, về số ít này, anh Phúc nói: ngày xưa, khách đặt hàng cho chủ lò, đó là sở thích riêng, và để làm hàng giao cho khách, chủ lò làm dư dôi ra một vài cái để đề phòng hư hao. Và một vài sản phẩm còn xót lại là vì thế. Cho nên món hàng anh đang sở hữa được trả với giá hơn 700 triệu đồng mà anh vẫn còn muốn giữ để làm kỷ niệm. Và kỷ niệm đó vẫn đang ở nơi này.
Có mặt tại không gian đầy thích thú này qua giới thiệu của một người bạn, chú Thái Phục Quốc, một người thợ cả của nghề gốm cách đây hơn 40 năm đã nói: thật sự ngưởng mộ các anh trong CLB, trong không gian này. Nhìn các đồ vật trưng bày mà ký ức bao năm ùa về. Có thể, những món đồ được trưng bày ở đây cũng có những món do chính đôi tay mình làm ra…Thật hạnh phúc!
Cũng đầy ngưởng mộ trước không gian trưng bày này tại địa phương, chị Phạm Thị Dung, người đã đến với không gian trưng bày này không dưới 5 lần chỉ trong chưa đầy 1 tháng, đã nói: mê gốm nên tôi đã đến và giới thiệu bạn bè có cùng đam mê đến để chiêm ngưỡng. Quá dễ thương.
Chia sẻ thêm về mong muốn của CLB với không gian đầy hào sản này, anh Nguyễn Hữu Phúc, chủ nhiệm CLB cổ vật TP Thuận An, cho biết: nơi đây tiếp tục là sân chơi cho những ai yêu gốm, yêu những món đồ cổ đầy hoài niệm. Hãy cùng đến để giao lưu và học hỏi cùng nhau.
Còn với chủ nhà, Anh Huỳnh Minh Thanh, cho biết, CLB sẽ tiếp tục có những lần triển lãm chuyên đề để anh em được thỏa sức đam mê, để những ai yêu gốm được chiêm ngưỡng và tự hào. Và CLB sẽ cố gắng tiếp tục là cầu nối cho thế hệ hôm nay mãi tự hào về giá trị văn hóa xưa của quê hương mình.
Công Danh