Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp ở thị xã Thuận An ngày càng thu hẹp do tốc độ đô thị hóa nhanh. Do đó, thị xã khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với xu thế phát triển của địa phương. Mô hình trồng lan của ông Trần Anh Tuấn (ngụ tại khu phố Hưng Thọ), hội viên nông dân phường Hưng Định, thị xã Thuận An là hướng đi phù hợp. Qua 5 năm phát triển mô hình của ông Tuấn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao mang lại thu nhập ổn định.
Chuyển đổi mô hình nông nghiệp phù hợp
Trước đây, ông Trần Anh Tuấn là chủ trang trại chăn nuôi với hàng trăm con heo nái và heo thịt. Phát triển trang trại chăn nuôi heo lúc đó là hướng đi hiệu quả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh và thị trường tiêu thụ heo thịt gặp khó khăn và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, nên ông chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với thực tế của địa phương. Ông Tuấn kể, lúc đó, ông thấy bạn bè trồng lan nên học tập và làm theo. Cũng nhờ bạn bè hướng dẫn, đồng thời chịu khó học hỏi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để phát triển mô hình này. Ông tận dụng diện tích chuồng trại với hơn 2.000m2 để cải tạo lại với tổng kinh phí khoảng 350 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới nước bán tự động, cây giống,… Lúc đầu, việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn vì, ông chưa am hiểu nhiều về cây lan, thị trường tiêu thụ thì chưa hình thành (người tiêu dùng chưa biết nhiều về hoa lan, chủ yếu sử dụng hoa truyền thống). Nhưng ông vẫn kiên trì đầu tư, nuôi dưỡng. Hơn 2 năm nay, vườn lan của ông đã cho trái ngọt. Đến nay, ông có trên 5000 gốc lan môkara các loại. Trong đó phải kể đến mokara vàng mai, vàng chanh, vàng chấm, đỏ, tím, trắng chấm, nến, hồng các loại, vàng chuối,.. Mỗi năm, một cây lan ra khoảng 7 đợt hoa; một đợt ra 3 nhánh có thể hơn tùy theo sức của từng cây. Theo ông Tuấn, để lan cho năng suất cao, cần phải chăm sóc tốt, cộng thêm thời gian phát triển của cây. Quá trình khai thác hoa lan không phụ thuộc vào vòng đời của cây. Nếu cây lan cao, thì chiếc ra tiếp tục trồng mới vẫn giữ nguyên gốc để phát triển thành cây.
Ảnh: Ông Trần Anh Tuấn đang chăm sóc vườn lan.
Để cây lan phát triển bình thường, ông Tuấn thường xuyên theo dõi quan sát cũng như kịp thời điều chỉnh độ ẩm cho vườn cây thông qua hệ thống phun nước. Theo như kinh nghiệm của chú, trong quá trình phát triển, lan thường bị sâu bệnh phá hoại. Một số bệnh thường gặp trên lan Mokara như bệnh thối đọt đen, bệnh đốm lá, bệnh thối rễ, bệnh do con trồng chích hút, muỗi hành chít vào nhụy hoa, ruồi vàng chít,… đồng thời bệnh do bị nấm các loại như nấm mốc gây hại cho thân và lá, nấm trứng gây hại nách lá và thân, thúi nhũng lây lan trên cây,… và khi xuất hiện sâu phải phun thuốc ngay tránh lây lan ra.
Với điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp, lan Mokara thật sự phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Ông Tuấn cho biết, từ năm 3 trở đi, cây lan phát triển mạnh và cho năng suất tăng. Vì lúc này, cây lan khỏe cho hoa đều. Cây lan cho hoa quanh năm và rộ nhất thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Bởi đây là thời điểm khí hậu thuận lợi nắng nhiều. Tuy nhiên, khoảng thời gian này, nhu cầu thị trường tiêu thụ hoa lan ít đi, cung vượt cầu. Do đó cũng như nhiều nhà vườn khác, thời điểm này, ông tập trung cải tạo, chăm sóc và dưỡng vườn cây để chuẩn bị cho dịp cuối năm và tết.
Liên kết để phát triển
Hiện ông Tuấn là thành viên của Hợp tác xã sản xuất thương mại dịch vụ Hoa lan Đất Thủ. Ông thường xuyên tham gia sinh hoạt, tập huấn, hội thảo và học tập kinh nghiệm trồng lan từ các nhà vườn khác để áp dụng hiệu quả mô hình lan nhà mình. Đồng thời, thông qua HTX, ông Tuấn còn liên kết sản xuất tìm đầu ra sản phẩm. Hiện tại, vườn lan của ông cung cấp chủ yếu hoa cho HTX, phần còn lại ông bỏ các shop lan gần nhà. Do đó, ông không còn lo lắng đến vấn đề giá cả hay thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, vào dịp tết, ông còn kết chậu lan phục vụ thú chơi lan của khách hàng. Thông thường, mỗi chậu lan có giá khoảng 1,5 triệu đồng; 1 số khách hàng đặt làm với giá từ 3 đến 3,5 triệu đồng/chậu. Như vậy theo tính toán, mỗi năm, thu nhập từ mô hình trồng lan, ông thu vào khoảng 120 triệu đồng (đã trừ chi phí).
Bên cạnh đó, ông Tuấn còn giúp đỡ hội viên nông dân khác về kỹ thuật trồng lan, cũng như những người có đam mê chơi hoa lan. Đặc biệt, nếu nông dân nào có nhu cầu phát triển cây lan, ông Tuấn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, chủ tịch Hội nông dân phường Hưng Định cho biết, đây là mô hình nông nghiệp phù hợp với hướng phát triển của nông nghiệp đô thị trên địa bàn phường Hưng Định. Chỉ cần diện tích đất vừa phải, cây lan vẫn mang lại giá trị kinh tế cao. Thời gian tới, Hội nông dân phường tiếp tục khuyến khích nông dân lựa chọn mô hình phù hợp như mô hình lan của ông Tuấn để phát triển góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tạo giá trị cao hơn.
Phát triển mô hình trồng lan không chỉ phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp đô thị của thị xã Thuận An mà còn mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao, cho thu nhập ổn định. Năm nay ông Trần Anh Tuấn đã 60 tuổi, nên trồng lan vừa nâng cao thu nhập cho gia đình nhưng cũng là thú vui tao nhã, thỏa chí niềm đam mê và thưởng thức những hoa lan hoe sắc vào mỗi sớm mai thức dậy.
VĂN TIẾN