Ngày 24/6/2019 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ trước đó.
Theo đó, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngoài việc quy định xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật còn có thêm nhiều quy định xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về: Vụ việc, vướng mắc pháp lý; Bản án, quyết định của tòa án, phán quyết của trọng tài thương mại, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp; Văn bản trả lời của cơ quan nhà nước đối với vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp; Văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật.
Về mức hỗ trợ, Nghị định nêu rõ về mức hỗ trợ như sau:
Trường hợp sau 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Bộ, cơ quan ngang Bộ đồng ý thì mức chi phí hỗ trợ như sau: Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn pháp luật theo văn bản thoả thuận cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật giữa tư vấn viên pháp luật và doanh nghiệp, nhưng không quá 03 triệu đồng/năm; Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí, không quá 05 triệu đồng/năm; Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% chi phí, không quá 10 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định rằng, Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời đối với vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong áp dụng chung về pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương do mình quản lý trong 15 ngày làm việc, trường hợp vướng mắc phức tạp thì trả lời trong tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 16 tháng 8 năm 2019.
** Đính kèm: Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ