Ảnh:
Di tích cấp tỉnh chiến
khu Thuận An Hòa.
Trong suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) Thuận An Hòa như cái gai trong mắt của bọn thực dân xâm lăng và bè lũ tay sai nhưng chúng không sao nhổ được vì: Tại chiến khu ta bố trí hệ thống phòng thủ vững chắc, vòng ngoài cùng là du kích các xã lân cận; vòng thứ hai là du kích ba xã: Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa; vòng trong cùng là nơi đứng chân vững chắc của lãnh đạo chỉ đạo cuộc kháng chiến. Thêm vào đó đường vào trong chiến khu ta bố trí hệ thống hầm chông; hố đinh; mìn tự động ở những nơi hiểm yếu và ta thay đổi vị trí đặt liên tục chính vì thế bọn thực dân và bè lũ tay sai không dám liều lĩnh vào sâu trong chiến khu càn quét mà chỉ dám đứng ở ngoài mé rừng xả pháo vào nên không ảnh hưởng về lực lượng của ta. Khi chiến trường Điện Biên Phủ nổ ra ở miền Bắc, miền Nam cũng vào thế tổng tấn công, Thuận An Hòa trở thành chỗ dựa để lực lượng chủ lực của ta tấn công vào những vị trí then chốt. Thuận An Hòa góp phần vào chiến thắng chấn động địa cầu 07/5/1954 giải phóng đất nước khỏi tay thực dân Pháp.
Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (từ năm 1954 đến năm 1975), Mỹ sử dụng vũ khí hiện đại, tối tân chúng trút những trận mưa bom xuống chiến khu Thuận An Hòa hòng xóa rừng không còn nơi ẩn nấp cho lực lượng kháng chiến. Không còn rừng nhưng Thuận An Hòa vẫn là căn cứ đứng chân của những cán bộ, Đảng viên, du kích nằm hầm bí mật ở giữa lòng dân, nhờ dân che chở,nuôi dưỡng để rồi vươn mình lớn lên, nâng bước cho những binh đoàn hùng mạnh tiến về Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Miền nam trong ngày 30/4/1975.
Với sự hy sinh lớn lao tại vùng chiến khu xưa, năm 2003 huyện Thuận An cho xây dựng một đài tưởng niệm chiến khu Thuận An Hòa tại ấp Hòa Lân 2, xã Thuận Giao cho những ai từng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, cho những người từ mọi miền đất nước đến đây sinh cơ lập nghiệp, sẽ không chỉ biết đây là một vùng đất thanh bình với những người năng động, sáng tạo; với những khu công nghiệp phát triển, mà còn thấy được trong từng nắm đất nơi đây có sự hy sinh vô giá của bao lớp người đã chiến đấu không tiếc xương máu mình để gìn giữ sự thanh bình và tự do cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Và thật tự hào chiến khu Thuận An Hòa đã được công nhận là di tích cấp tỉnh theo quyết định số 582/QĐ-UBND, ngày 07/3/2012 với tổng diện tích là 41492.911m2 .
Hàng năm tại di tích Thuận An Hòa Quân-Dân-Chính Đảng Thuận An tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm như : ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước 30/4, kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7, mừng ngày Quốc Khánh 02/9, đặc biệt là lễ hội đón giao thừa với các tiết mục văn nghệ phục vụ bà con và phát quà Tết cho cán bộ chiến sỹ, công nhân ăn Tết xa nhà….. Ngoài ra tại di tích cũng diễn ra các sinh hoạt đoàn đội trên địa bàn thị xã và các tỉnh lân cận.
Ảnh: Đền tưởng niệm chiến khu Thuận An Hòa
Đền tưởng niệm chiến khu Thuận An Hòa khởi công xây dựng ngày 23-4-2003 và khánh thành vào ngày 1-2-2007. Toàn bộ các hạng mục công trình gồm: đền thờ, nhà bia, tượng đài, cây cảnh trông thật hoành tráng trang nghiêm.
Đặc biệt văn bia do nhà văn hóa Huỳnh Ngọc Trãng chấp bút đã khái quát khá đầy đủ diễn biến quá trình hình thành và chiến đấu kiên cường của quân và dân ta, tiêu biểu cho ý Đảng lòng dân Thuận An Hòa trong 2 cuộc kháng chiến vệ quốc thần thánh vừa qua.
Mở đầu, văn bia đã khẳng định về bản chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh của nhân dân ta. Đó là, khác với bối cảnh nông dân Cần Giuộc tự phát đứng lên chống giặc trong khi triều đình nhà Nguyễn yếu hèn đã dâng 3 tỉnh miền Đông cho Pháp “Súng giặc đất rền / Lòng dân trời tỏ”(1). Còn nhân dân Thuận An Hòa đã là chủ nhân của một nước độc lập, sau 80 năm trường nô lệ nên quyết tâm bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được mấy mươi ngày.
“Súng giặc đất rền
Tự do hay là chết
80 năm nô lệ, giờ độc lập mới về tay
Mấy mươi ngày vừa thoát ách tù đày, nay thực dân trở lại”
Với ý chí sắt đá đó, chiến khu kháng chiến An Sơn ra đời đầu tiên ở tỉnh Thủ Dầu Một. Nhưng để chiến đấu lâu dài với giặc cho đến thắng lợi hoàn toàn, quân và dân huyện Lái Thiêu đã lập chiến khu Thuận An Hòa (ghép các chữ đầu của tên các xã Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa), ở sát nách trung tâm thành phố Sài Gòn, 15 cây số về phía Bắc. Tuy quân giặc dữ, có quân đông, vũ khí, phương tiện chiến tranh mạnh hơn ta gấp nhiều lần lại “lắm chước, nhiều mưu”, với dã tâm triệt hạ chiến khu ta ngay từ đầu. Nhưng Thuận An Hòa dưới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân đã trải qua những thử thách từ khi có Đảng, nhất là trong các cuộc Nam kỳ khởi nghĩa và Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, họ không chỉ là nông dân “Kẻ đâm ngang, người chém ngược” với “Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi”, “gươm đeo bằng lưỡi dao phay”(2) mà đã tự giác tổ chức lực lượng chống giặc, sớm hình thành thế trận chiến tranh nhân dân. Mọi người đều dốc lòng kháng chiến. Cả chiến khu là một trận địa:
“Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa: rừng lõm, rừng lồi nay lập chiến khu
Bình Đức, Tuy An, Hòa Lân, Tân Khánh: Đầu xóm, bìa thôn giờ cắm cọc đào hầm, gài chông, đặt bẫy
Nhà nhà hiến làm doanh trại, cơ quan
Ruộng lúa, vườn cà... xây công sư, đào chiến hào chờ giặc”
Lực lượng kháng chiến ấy không phân biệt gái, trai, già trẻ, thành phần xã hội, thương gia, hay tiểu chủ, giàu nghèo, kể cả những hương chức, thân binh, thông ngôn... ém sẵn trong hàng ngũ địch, chờ thời cơ đánh đồn nội ứng.
“Chẳng lo bị bắt, bị tù: len lỏi vào Búng, vào chợ Lái Thiêu gom vật thực, thuốc men qua mắt giặc đưa vào căn cứ.
Đâu tiếc chuyện mất, chuyện còn hoặc nhặt từng tấc sắt, thỏi chì hay đem lư hương, chân đèn, chân tượng... hiến cho quân giới đúc đạn làm mìn.
Chủ lò đường, lò chén, lò tương... kẻ tiền chục bạc trăm đều góp cho kháng chiến.
Người dân nghèo đẽo từng chiếc đòn gánh, đan thúng, đan nia đem ra chợ bán từng cắc, từng xu mua gạo, muối, mắm, dầu nuôi quân đánh giặc”.
Nhờ thế, ngay trong những trận đầu, tuy “thuốc súng kém, chân đi không” mà quân và dân ta đã chiến thắng liên tiếp quân giặc:
“Giặc đổ quân càn quét: trận đầu phơi xác tại Cây gõ mâm xôi, thua đau nã pháo, dội bom.
Rừng Cò Mi, ngay tại thôn Phước Lộc, quan tư Perot cụt tay, lũ giặc dữ một phen vỡ mật.
Trận Nhà thơ: quân ta tập kích đại đội Âu - Phi chẳng còn một đứa trở về; quày lại, chận đánh quân tiếp viện; quan hai Davic chưa kịp trở tay đã bỏ mạng.
Ở Chợ Miễu du kích đánh mìn tự tạo cũng diệt gọn Bộ Tham mưu của Thiếu tá Depuis.
Vòng cung hành lang Bình Chuẩn, Tân Khánh, Tân Thới, Hòa Lân: phục kích vét đuôi khi giặc về đồn, đánh vỗ mặt khi thù ra khỏi bót”.
Thế là, chín năm kháng chiến “giặc mạnh, ta yếu mà ta địch nổi”. Năm 1954, Pháp thua, Mỹ hất cẳng Pháp với “chước đủ trăm nghìn khóe” nhiều quân, nhiều tiền, lắm vũ khí giết người hàng loạt, lập khu trù mật, ấp chiến lược, lê máy chém khắp nơi trả thù dã man những người kháng chiến cũ, mở quốc lộ 13 (mới), san ủi địa hình, hòng làm ta hết chỗ ở. Nhưng “tức nước ắt vỡ bờ”, “Mõ đồng khởi dấy lên” đã thúc giục nhân dân ta nổi dậy, “Tổ vũ trang ém ở Bình Đức, khai hỏa tại ngã ba: diệt toán dân vệ mở đường phá banh khu trù mật”. Khi quân Mỹ ào ạt đổ quân vào miền Nam để cứu quân ngụy sắp tan rã. Bất chấp chúng trang bị vũ khí tận rang, quân ta hạ quyết tâm “tìm Mỹ mà đánh”, “nắm thắt lưng Mỹ mà diệt” như lời thề “sát thát”(3) năm xưa. Bọn lính “Anh cả đỏ” sừng sỏ nhất của quân lực Hoa Kỳ, Lữ đoàn dù 173, tuy hỏa lực mạnh, tập kích nhanh, vừa bén mảng đến đây đều bị đánh tơi tả:
“Giặc chà qua, xát lại, ta vừa thủ, vừa công, bẻ gãy chín đợt tấn công, diệt 49 tên xâm lược ngay trận đầu đánh Mỹ; giặc tái càn, ta đánh trả, diệt tiếp 50 tên khiến chúng phải quày quả rút lui.
Trận Chà Là, Trãng Lớn, Cây Sanh trong đợt càn 2 tháng, gặp phải mìn ĐH: 300 tên không có đường về; trận Gò Me, Sư Anh cả đỏ nghênh ngang bị ĐH đánh chặn đầu, rút về bị đánh bồi bằng tạc đạn; từ đây chẳng dám tới xứ này”.
Vào năm 1971-1972, tại Hồ Đá, ấp Đồng An, bộ đội chủ lực được nhân dân ta bảo vệ đã trút bão lửa xuống Bộ Tham mưu ngụy và sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) và sẵn sàng đối phó mà địch chẳng dám ló ra phản kích.
Đến năm 1973, quân Mỹ cuốn cờ về nước, quân ngụy ỷ có Mỹ rót nhiều tiền, vũ khí đã xua quân lấn chiếm đất, san ủi rừng hòng xé nát căn cứ ta. Nhưng không còn rừng, ta lập căn cứ trong lòng dân làm cho chúng không biết đường nào mà đối phó. Thế rồi, mùa xuân năm 1975 “thế giặc lực đã tàn”, quân ta thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn, ngoài đánh vô, trong nổi dậy”. Nhân dân làm chủ xóm làng, chia cắt quốc lộ 13, cản địch tháo chạy về Sài Gòn, góp phần giải phóng huyện Thuận An, căn cứ Sóng Thần.
Sáng ngày 30-4-1975, quê hương Thuận An Hòa sạch bóng quân thù “Tổ quốc từ đây sông núi núi liền / Nỗi nhục trăm năm rửa sạch”
Cuối cùng Văn bia như tiếng núi sông ngỏ lời tri ân và sẻ chia cùng bao anh hùng liệt sĩ và nhân dân Thuận An Hòa đã không tiếc máu xương, mất mát cho đất nước thanh bình, thay da đổi thịt hôm nay “Mấy bận gian truân chết đi sống lại; Lòng dân bảo bọc khác nào lũy sắt thành đồng / Nay đất nước thanh bình, rừng cũ, chiến khu xưa đã thay da đổi thịt nên dựng miếu lập đền làm chỗ sớm hôm đốt nén hương thơm, tưởng nhớ hồn thiêng của những người vong thân vì nước...”.
Bài Văn bia diễn tả khá đầy đủ mọi diễn biến của chiến khu Thuận An Hòa từ 1946-1975. Nếu được khái quát cô đọng và lời văn trào lộng đối ngẫu sâu sắc hơn nữa sẽ là bản anh hùng ca hùng tráng của nhân dân Thuận An, Bình Dương hôm nay và mọi thế hệ mai sau.